Blog: ϲʿֱֳ thay đổi cuộc đời tôi # 3
Vào thời điểm trước khi tham gia chương trình Bảo tồn rùa biển Côn Đảo do ϲʿֱֳ tổ chức, tôi đã quyết định nghỉ việc được vài tháng. Một công việc văn phòng ổn định nhưng có quá nhiều điều khiến tôi cảm thấy mệt mỏi: tắc đường mỗi ngày, chấm vân tay mỗi sáng chiều và những bộ quần áo công sở, những con người đạo mạo, thân thiện và những buổi “tiếp khách” mềm người mỗi khuya trở về. Tôi tự nhủ sẽ dành một năm để làm những công việc tình nguyện để tôi có thể tự do, để giải phóng chính mình, và tôi đã làm như vậy.
Chuyến đi tình nguyện cứu hộ rùa biển ở Côn Đảo – Vũng Tàu năm 2015 là những trải nghiệm tuyệt vời nhất từng có của tôi. Là một người công tác tại Viện hàn lâm khoa học, nhưng đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy rùa biển trong môi trường tự nhiên, mà lại trong những thời khắc đặc biệt của rùa biển: rùa mẹ đẻ trứng, rùa con ra khỏi vỏ và rùa con bơi ra biển, quả thực ấn tượng không thể nào quên.
Tôi không bao giờ quên cảm giác chạm vào chân sau của rùa mẹ trong lúc nó đang lấp hố để giấu trứng rùa vừa đẻ. Chân rùa mẹ trông thô ráp nhưng rất mềm và ấm, lại rất khỏe và khéo léo khi chuẩn bị hố đẻ. Với tôi cảm giác ấy như được cầm vào tay của một người mẹ tần tảo nuôi con vậy. Rồi khoảnh khắc những chú rùa con hăng hái quẫy đạp để chui ra khỏi vỏ trứng, cảnh cả trăm chú rùa con chạy đua ra biển trước khi mặt trời lên. Tôi nhìn thấy những chú rùa con với những dị tật bẩm sinh như móp mai, lệch bơi chèo hoặc chỉ đơn giản là quá yếu không thể bơi được ra biển như những anh chị của nó.
Thật khó diễn tả cảm xúc khi nhìn cảnh đó, tâm trạng tôi một mặt vừa hy vọng chúng đều có thể sống tốt, có thể trưởng thành, một mặt thì luôn biết rằng chỉ có vài, hoặc chẳng chú rùa con nào có thể sống sót được ngay sau khi chạm đến mặt biển.
Đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nao nao nhớ đến mùi nắng gió và khu bếp đơn sơ nhưng đầm ấm trên đảo Bảy Cạnh. Cảnh sắc trên đảo đẹp đến nao lòng, tôi luôn tự hỏi liệu còn nhiều nơi giữ nguyên được vẻ nguyên sơ gần như nguyên vẹn thế này không. Như thể tôi đang sống một cuộc sống khác, xa cách với bộn bề công việc, tàu xe, thời tiết đẹp kì diệu với biển xanh, cát trắng, nắng dịu dàng, những rặng san hô đầy màu sắc có thể nhìn bằng mắt thường vì nước biển trong vắt, những đêm cả đoàn TNV ngồi cạnh nhau, ngước mắt nhìn bầu trời dày đặc sao đêm đầy huyền diệu, thỉnh thoảng có sao băng xẹt qua. Rồi những bờ đá, bãi cát, một đoạn bờ biển trải dài những cành san hô trắng xóa vì phơi dưới nắng và khu rừng ngập mặn, tất cả đều gần với “nguyên bản” nhất, hoặc là gần với những gì mà tôi tưởng tượng.
Những người bạn mới của tôi là các chị, các bạn, các em trong đội TNV, các đồng chí kiểm lâm đến từ mọi miền đất nước. Gặp nhau có hơn chục ngày mà thực sự rất trân trọng những người bạn cùng tham gia chương trình. Đó là những con người cực kì cá tính, cực kì mạnh mẽ và đáng yêu. Ai cũng có câu chuyện riêng, hoàn cảnh riêng nhưng đều chung nhau một tình yêu thiên nhiên mãnh liệt. Chúng tôi gặp nhau tại nơi hoang sơ, không có bức tường nào ngăn cách theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nên rất dễ hiểu nhau.
Tôi tin chắc rằng các bạn tham gia tình nguyện cũng sẽ có thêm nhiều người bạn tốt như tôi đang có bây giờ. Mặc dù khi trở lại thành phố, mỗi người một công việc một cuộc sống riêng, lại phải khoác lên mình những “bộ áo giáp” để chiến đấu với đời, nhưng nếu có cơ hội gặp nhau, thì lại vẫn hân hoan như những tình nguyên viên ngày nào.
Mùa hè năm 2015, tôi tham gia chương trình khi trong lòng ngổn ngang nhiều câu hỏi về hướng đi tiếp theo trong cuộc sống. Sau chuyến đi, những trải nghiệm có được, những người bạn đã gặp - những con người rất phóng khoáng và chân thành giúp tôi dần trả lời được những câu hỏi đó. Cuộc sống của tôi thực sự đã thay đổi sau chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển Côn Đảo.
Tôi chợt nhận ra là tôi đã sống một cuộc sống không thực sự là chính mình. Chuyến đi giúp tôi nhớ lại mình cũng đã từng một thời muốn lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, tận hưởng những khung cảnh núi đồi, biển cả, những nụ cười chân thành, những đôi chân nắng gió bụi đường, những bàn tay lấm lem đất cát, thích thú với những công việc nhỏ bé, ý nghĩa mà tôi làm, thích thú với những câu chuyện tôi được nghe. Tất cả những công việc tôi làm dần dần khiến tôi nhận ra tôi nên bắt đầu sống cuộc đời tôi mong muốn.
Từ khi trở về với thành thị đầy khói bụi, tôi đã lên kế hoạch cho một cuộc “giải cứu” chính bản thân mình. Tôi trở nên thực tế hơn mà cũng lãng mạn hơn nhiều, mong muốn một sự phiêu lưu hơn nữa. Tôi muốn sống giấc mơ của mình. Tôi nhanh chóng quyết định từ chối một cơ hội lớn: trở thành Nghiên cứu sinh của ĐH Oxford, để chọn một con đường gập ghềnh hơn: trở thành một người bình thường, ở một đẹp đẽ và yên bình, và bây giờ, tôi cũng đang từng bước đạt được điều đó.
Hiện nay, tôi đang làm việc ở nước ngoài, nên không làm được gì nhiều trong những hoạt động tuyên truyền của những người bạn năm đó, nhưng tôi đã trở thành một người thực sự trân trọng thiên nhiên, trân trọng cuộc sống. Và điều tôi làm để đóng góp cho những chú rùa nhỏ bé là chia sẻ những điều tôi đã trải nghiệm với người thân bạn bè, và cố gắng bảo vệ môi trường trong điều kiện hết sức có thể. Không thể phủ nhận, chuyến đi đến đảo Bảy Cạnh – Côn Đảo đã khơi dậy trong tôi những động lực để bước đi con đường mà tôi có thể thực sự là chính mình.
Nguyễn Đức Long (Hà Nội) – Tình nguyện viên chương trình Bảo tồn rùa biển Côn Đảo năm 2015