Phản hồi về bài báo: Xẻ núi đá vôi, Voọc bạc mất “nhà”
Cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2011, trên một số báo, trong đó có báo Tuổi trẻ ngày 12 tháng 12 năm 2011 đề cập đến tình trạng số lượng cá thể voọc bạc (Trachypithecus germaini) trên các núi đá vôi ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Theo tác giả, loài động vật này được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (ϲʿֱֳ) liệt kê trong danh mục những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng vì số lượng loài này được cho là đã suy giảm hơn 50% trong vòng 36 năm qua (ba thế hệ, mỗi một thế hệ kéo dài 12 năm) dưới tác động của việc săn bắt và mất nơi cư trú . Bài báo này cũng phản ánh chính xác tính đa dạng sinh học độc đáo của vùng núi đá vôi Kiên Lương.
Từ năm 2008, Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam (HVL) đã ký thỏa thuận hợp tác với ϲʿֱֳ tìm giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ việc khai thác đá lên môi trường trong quá trình hoạt động nhà máy xi măng Hòn Chông của công ty tại Kiên Lương. Theo thỏa thuận này, HVL đã tài trợ Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển (CBD), thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) tiến hành khảo sát khu vực sinh sống của Voọc bạc và đề xuất giải pháp bảo tồn có tính đến tác động của việc khai thác đá của nhà máy Hòn Chông và các doanh nghiệp liên quan khác. Kết quả khảo sát của CBD cung cấp chi tiết về sự phân bố của voọc bạc và các giải pháp để đảm bảo sự sinh tồn của loài này.
Bài báo này đã nêu lên tầm quan trọng của việc bảo tồn. Tuy nhiên, một vài nhận định vẫn chưa đầy đủ hoặc có khả năng gây nhầm lẫn. Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này, chúng tôi chia sẻ thêm những thông tin sau:
Thứ nhất, HVL khai thác đá ở khu vực phía tây núi Bãi Voi từ năm 2006 và 2010, việc khai thác này không tác động trực tiếp đến 28 con voọc sống ở phía Bắc ngọn núi (được biết đến với tên gọi là Mo So). Năm 2010, HVL bắt đầu khai thác dọc bờ Tây của núi Bãi Voi và việc này cũng không tác động đến loài voọc ở khu vực Mo So.
Thứ hai, sau khi xem xét kết quả khảo sát của CBD, HVL đã khai thác chậm lại khu vực phía Bắc núi Khoe Lá, nơi cư ngụ của 48 con voọc. Còn phần phía nam của núi Khoe Lá là nơi sinh sống của 30 con voọc khác, đang do công ty xi măng Hà Tiên II khai thác. Việc này dẫn đến nguy cơ làm mất sự liên kết giữa phần phía bắc của Khoe Lá với dải rừng ngập mặn nơi mà voọc có thể di chuyển sang núi Bà Tài theo hướng Nam. Năm 2010, CBD đã báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang về nguy cơ này nhưng phía cơ quan liên quan vẫn chưa có động thái nào.
Thứ ba, để hỗ trợ quá trình di cư của voọc sang núi Bà Tài, HVL đã và đang hỗ trợ trồng lại vành đai rừng ngập mặn ở Mũi Khoe Lá, làm hành lang di chuyển cho vooc bạc. Tuy nhiên, việc phá rừng ngập mặn, thuộc sự quản lý của Sở NN&PTNT, làm ao tôm cũng ảnh hưởng đến hành lang liên kết này. Đai rừng ngập mặn gần núi Khoe Là hiện chỉ rộng 30 mét và toàn cây non. Đây cũng là điều kiện khó cho voọc có thể sử dụng.
Cuối cùng, như bài báo chỉ ra, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho Sở TN&MT chịu trách nhiệm thành lập Khu bảo tồn Thiên nhiên để bảo vệ những ngọn núi đá vôi còn lại ở Kiên Lương. Từ năm 2009, CBD đã cung cấp cho sở TN&MT nhiều số liệu và thông tin về tính đa dạng sinh học của vùng để hỗ trợ việc nghiên cứu tính khả thi và quy hoạch thành lập khu bảo tồn. Tuy vậy, khu vực này vẫn chưa được bảo vệ chính thức. HVL nhận thức rằng quá trình khai thác đá sẽ khó tránh khỏi tác động lên môi trường, và vì thế HVL sẵn sàng hỗ trợ quá trình thành lập Khu bảo tồn Thiên nhiên để bảo vệ voọc bạc. Trên thực tế, trách nhiệm thành lập khu bảo tồn là của chính quyền tỉnh, không phải HVL hoặc CBD.
Chúng tôi cũng muốn gửi đến bạn đọc một số thông tin khác, ngoài việc hỗ trợ bảo vệ loài voọc bạc, HVL còn hỗ trợ các hoạt động của Quỹ Sếu Quốc tế (ICF) để bảo vệ sếu đầu đỏ ở đồng cỏ Phú Mỹ, tỉnh Kiên Giang. Loài sếu đầu đỏ (Grus antigone) cũng được ϲʿֱֳ đánh giá là loài sắp nguy cấp. Để bảo vệ đồng cỏ Phú Mỹ, đề xuất thành lập khu bảo tồn đã được đệ trình, hiện vẫn đang chờ quyết định chính thức. Tương tự như vấn đề của núi đá vôi, trách nhiệm thành lập khu bảo tồn thuộc về chính quyền tỉnh.
Thông điệp chính mà chúng tôi muốn gửi ở đây là bảo tồn tính đa dạng sinh học độc đáo của Kiên Lương là trách nhiệm chung của tất cả các bên bao gồm các công ty xi-măng, các tổ chức khoa học, tổ chức phi chính phủ và của chính quyền địa phương. Chúng ta đã nghe nói nhiều về voọc bạc, sếu và nhiều loài động vật khác có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Tuy nhiên, để bảo vệ chúng một cách hiệu quả cần sự cam kết của chính quyền địa phương. Trước tiên, chính quyền địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp xi măng và những doanh nghiệp khác để đảm bảo kế hoạch khai thác đá có tính đến quá trình di cư của loài voọc và thứ hai, thành lập các khu bảo tồn để bảo vệ tính đa dạng sinh học độc đáo của vùng núi đá vôi và đồng cỏ.