Đập Sekong 1: vì sao Việt Nam cần quan tâm?
Sông Sê Kông bắt nguồn từ Thừa Thiên-Huế, Việt Nam chảy qua CHDCND Lào và đổ vào Campuchia. Đây là dòng nhánh lớn cuối cùng của sông Mê Công chưa bị cản trở bởi các đập thủy điện và có tầm quan trọng đặc biệt, không thể thay thế được đối với an ninh lương thực của khu vực và với sức sản xuất của vùng Châu thổ Sông Mê Công. Hai sông nhánh lớn khác, cùng với Sê Kông tạo thành các lưu vực 3S, là Srepôk và Se San đã bị chặn ngay trước nơi chúng nhập với dòng chính sông Mê Công bởi đập Hạ Sesan 2 được hoàn thành vào cuối năm 2017.
Do vậy, Sê Kông trở thành tuyến đường duy nhất còn mở cho các loài cá di cư di chuyển lên đầu nguồn để sinh sản trước khi về tới Biển Hồ của Campuchia để kiếm thức ăn và phát triển thành cá trưởng thành có thể khai thác thương phẩm. Một nửa lượng cá đánh bắt ở lưu vực sông Mê Công là các loài di cư ở khoảng cách dài và việc chặn sông Sê Kông có thể làm suy giảm khoảng 20% tổng sản lượng cá của toàn lưu vực. Để có thể bù đắp được sự mất mát về protein này, chỉ riêng cho Campuchia sẽ cần tăng diện tích canh tác nông nghiệp gấp ba hiện tại, hay có nghĩa là phải chuyển đổi gần như toàn bộ diện tích rừng của quốc gia này sang đất nông nghiệp.
Sông Sê Kông cũng là nguồn phù sa cuối cùng còn lại từ các lưu vực 3S chuyển tới vùng châu thổ sông Mê Công. Trước khi thủy điện Yali được xây dựng ở Gia Lai vào năm 1997, các sông 3S cung cấp 25 triệu tấn phù sa một năm. Các đồng bằng sẽ chìm dần theo tự nhiên và chỉ có thể duy trì ở trên mực nước biển nếu như liên tục được bồi đắp phù sa, đặc biệt là cát. Nhưng các đập thủy điện sẽ giữ lại một lượng cát rất lớn và đập Hạ Sesan 2 sẽ làm giảm 2/3 lượng phù sa mà các sông 3S chuyển xuống hạ nguồn. Vùng châu thổ sông Mê Công có giá trị kinh tế to lớn, là nguồn cung cấp lúa gạo, trái cây và thủy sản lớn nhất của Việt Nam và vì vậy, việc đảm bảo dòng chảy tự do của sông Sê Kông là vô cùng quan trọng.
Nhưng cũng chính vì là dòng nhánh lớn cuối cùng còn chảy tự do của sông Mê Công, luôn tồn tại nguy cơ sẽ có các dự án đập trên sông Sê Kông. Quan ngại nhất chính là đập Sê Kông 1, hay có tên gọi khác là đập hạ nguồn Sê Kông A. Đập này được dự kiến xây dựng tại khu vực ngập lũ rộng lớn tại hạ nguồn Sê Kông, gần biên giới với Campuchia. Con đập này sẽ cản trở đường di cư của cá lên thượng nguồn và ngay cả khi các loài cá có thể xoay sở để đi qua thang cá, thì các loài cá nhỏ và ấu trùng cá, khi muốn đi xuống hạ nguồn, chắc chắn 100% cũng sẽ bị chết trong các hồ chứa nước tĩnh. Nếu muốn cải thiện việc này, sẽ phải duy trì hồ chứa có dòng chảy nhanh, nhưng điều này lại giảm lượng phát điện đến mức việc vận hành đập không còn sinh lời nữa.
Cả Campuchia và Việt Nam sẽ phải chịu hậu quả nặng nề từ đập Sê Kông 1. Với Campuchia là sản lượng đánh bắt cá giảm đáng kể và với Việt Nam là giảm lượng trầm tích bồi đắp.
Nhưng nghịch lý là, công ty đã đề xuất và có quyền xây dựng và vận hành đập Sê Kông 1 có 80% vốn chủ sở hữu từ tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai (HAGL), một tập đoàn của Việt Nam. Nếu đập này được xây dựng thì có thể coi HAGL sẽ xây dựng một đập thủy điện đe dọa tới an ninh lương thực của Campuchia và sự tồn vong của ĐBSCL. HAGL không cần được chính phủ Việt Nam đồng ý để xây dựng đập này. Tuy nhiên, với những nguy cơ tiềm ẩn mà đập này có thể gây ra, chắc chắn Việt Nam cần phải quan tâm là đập này sẽ được xây dựng hay không. Một điểm đáng lưu ý nữa là đập này chỉ có công suất 76 MW, rất nhỏ để có thể đóng góp cho tổng sản xuất điện của khu vực. Chỉ riêng đập Yali đã có thể sản xuất được 720 MW. Vì vậy, nếu so sánh với lợi ích phát điện, thì chi phí bao gồm cả chi phí cơ hội của đập Sê Kông 1 là quá lớn và không tương xứng.
Tuy nhiên quyết định xây hay không xây đập Sê Kông 1 còn có ý nghĩa lớn hơn. Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn để thuyết phục Campuchia và Lào cân nhắc các kế hoạch xây dựng đập trên dòng chính sông Mê Công do các tác động tiềm tàng tới ĐBSCL. Nghiên cứu về ĐBSCL do chính phủ thực hiện vào cuối năm 2015 kết luận rằng sản lượng cá và phù sa cung cấp cho ĐBSCL sẽ bị cắt giảm đi hơn 50% nếu 11 đập được dự kiến xây dựng trên dòng chính. Nhưng Việt Nam không thể sử dụng lý lẽ này trong các đàm phán khu vực nếu chính một công ty của Việt Nam lại đang cản trở dòng chảy sông Sê Kông và góp phần gây ra tác động trên. Đây sẽ là một nhiệm vụ ngoại giao rất khó khăn.
Viện Di sản Thiên nhiên (NHI), một tổ chức phi chính phủ hoạt động phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco và tập trung nghiên cứu về các dòng sông có giá trị sinh thái đặc biệt nhưng đã bị thay đổi đáng kể hoặc có nguy cơ phải chịu sức ép lớn từ các hoạt động phát triển, gần đây đã hoàn thành một bản quy hoạch tổng thể cho sông Sê Kông. Bản quy hoạch này chỉ ra rằng tất cả lượng điện bị mất đi nếu không xây dựng bậc thang thủy điện, bao gồm Sê Kông 1, có thể được bù đắp bằng một tổ hợp các đập xây dựng trên các chi lưu dốc ở khu vực Thượng Sê Kông và một hệ thống pin mặt trời nổi trên các hồ chứa (ở những nơi đã có kết nối với lưới điện và có hệ thống làm mát nước để tặng hiệu suất). Những đập thay thế này có thể được thiết kế để cho phép xả trầm tích và duy trì chế độ dòng chảy nhằm đáp ứng nhu cầu của các loài cá di cư. Điện mặt trời, trong điều kiện lý tưởng, sẽ phù hợp với hồ chứa lớn do đập Xe Kaman 1 có công suất 290 MW đã được xây dựng ở thượng nguồn Sê Kông do Công ty cổ phần điện Lào sở hữu – một chi nhánh của Tập đoàn Sông Đà, Việt Nam.
Số phận của nhánh sông chảy tự do cuối cùng của Mê Công, với những tác động tiềm tàng tới vùng châu thổ nằm hoàn toàn trong quyết định xây dựng đập Sê Kông 1. Những phương án thay thế Sê Kông 1 đã có và hoàn toàn khả thi về kinh tế, vấn đề mấu chốt là chính phủ Việt Nam sẽ có cơ hội và trách nhiệm thuyết phục HAGL tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các đập có rủi ro thấp hơn, tại những khu vực khác như quy hoạch của NHI đã đề xuất. Cách tiếp cận tối ưu hóa lợi ích năng lượng và lương thực này. hoàn toàn phù hợp và nhất quán với các mục tiêu về an ninh quốc gia của Việt Nam cũng như các chính sách về phát triển thủy điện bền vững đã được Thủ tướng Lào thông qua vào năm 2015.